Những hiểu lầm thường gặp trong kỹ năng lắng nghe

Đăng ngày 12/02/2025 lúc: 15:06103 lượt xem

Kỹ năng lắng nghe đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Thế nhưng không phải ai cũng có thể thực hành lắng nghe tốt. Dưới đây là 3 hiểu lầm thường gặp về kỹ năng nghe, làm giảm khả năng giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ:

1. Lắng nghe là lép vế

Trong thực tế, có khá nhiều người cho rằng việc chỉ ngồi nghe người khác nói là đang “lép vế”. Thế nhưng hoàn toàn ngược lại, lắng nghe không đồng nghĩa với việc mất đi tiếng nói hay quan điểm của bản thân mà điều đó lại thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương. Bên cạnh đó, lắng nghe hiệu quả còn giúp bạn có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện theo hướng mình muốn bằng cách đặt ra câu hỏi hoặc đưa thêm nhiều dẫn chứng phù hợp.

Khi lắng nghe một cách tập trung, ta có thể nhanh chóng tiếp nhận thông tin mà đối phương muốn truyền đạt. Điều này cũng là cơ sở giúp đưa ra những phản hồi tốt hơn, tạo ra sự gắn kết trong các mối quan hệ.

2. Lắng nghe là ngồi im

Lắng nghe không chỉ đơn giản là ngồi im và dành sự chú ý về phía người nói. Thực tế, lắng nghe là một quá trình tương tác phức tạp, đòi hỏi sự tập trung, hiểu biết và nêu lên quan điểm khi cần. Mặc dù việc ngồi im lắng nghe có thể giúp bạn tập trung hơn vào những gì đối phương đang trình bày. Thế nhưng bạn phải luôn ở trong trạng thái tư duy mở để tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, thấu hiểu và đồng cảm với quan điểm của người nói.

Xem thêm  Cách giao tiếp với khách hàng qua điện thoại không gây hiểu lầm

3. Lắng nghe trong mọi trường hợp đều giống nhau    

Kỹ năng lắng nghe trong mọi trường hợp là không giống nhau. Trong thực tế, khả năng lắng nghe đòi hỏi sự linh hoạt để thích ứng với các tình huống và đối tượng giao tiếp khác nhau. Do vậy, bạn cần hiểu đúng và áp dụng một cách phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ xung quanh.

Ví dụ, trong một cuộc họp phong ban, bạn cần tập trung lắng nghe để hiểu rõ quy trình, cách thức làm việc hoặc kế hoạch cần triển khai. Ngược lại, trong một cuộc trò chuyện với bạn bè, bạn có thể lắng nghe một cách thoải mái, sử dụng các cử chỉ hoặc ngôn ngữ cơ thể để giúp cho cuộc trò chuyện gần gũi, gắn kết hơn.

Ngoài ra, thái độ trong khi lắng nghe cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào mục đích giao tiếp. Chẳng hạn, khi nhóm của bạn đang cố gắng trao đổi và giải quyết một vấn đề nào đó, bạn cần lắng nghe ý kiến của các thành viên một cách thận trọng để từ đó đưa ra phản hồi phù hợp. Trong trường hợp đối phương đang kể câu chuyện hoặc bày tỏ cảm xúc của riêng họ, hãy tỏ ra thấu hiểu, cảm thông để người nói cảm thấy được chia sẻ, quan tâm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *