Nghỉ việc: Làm thế nào để ra đi trong lịch sự?

0

Nghỉ việc không chỉ đơn thuần là bạn nộp một chiếc đơn xin thôi việc và rồi dứt áo ra đi. Đó là cả một nghệ thuật đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị một cách khéo léo và kĩ lưỡng. Dù ra đi vì bất kỳ lý do gì, bạn cũng phải cố gắng lưu lại một ấn tượng tốt đẹp với công ty cũ để tránh tạo ảnh hưởng xấu về sau.

Thay đổi công việc là thời điểm vô cùng nhạy cảm cho cả chính bạn và công ty. Tuy nhiên, đáng tiếc là dường như nhiều nhân viên thường chỉ để tâm đến vấn đề ứng tuyển và xây dựng hình ảnh đầu vào, nhưng lại chẳng mấy quan tâm lắm mỗi khi rời đi.

Dù vì lí do gì khiến bạn buộc lòng phải thôi việc, hãy cố gắng tuân thủ theo các trình tự dưới đây:

Giữ bí mật trước khi nộp đơn chính thức

Nhiều đồng nghiệp thường không giữ được bí mật và sẽ lan truyền thông tin bạn nghỉ việc trước cả khi sếp của bạn biết được điều này. Theo nhiều kết quả khảo sát, hầu hết các lãnh đạo đều không hài lòng khi họ là người nắm giữ thông tin sau cùng. Do đó, hãy cố gắng giữ bí mật trước khi lá đơn xin thôi việc của bạn nằm trên bàn lãnh đạo.

Nắm rõ quy định của công ty

Khi bạn bắt đầu kí hợp đồng làm việc chính thức, ắt hẳn bạn đã được phổ biến hoặc đọc được các quy định cụ thể về chế độ làm việc cũng như nghỉ việc ở công ty. Thông thường, bạn sẽ phải thông báo nghỉ việc trước khoảng 1 – 2 tháng tùy quy chế. Cho dù công ty không quy định, bạn cũng nên thực hiện theo nguyên tắc này để đảm bảo hoàn thành nốt những công việc còn dang dở và bàn giao những nhiệm vụ của bạn cho một người khác.

Giải thích lý do rõ ràng khi nghỉ

Bạn nên dành một chút thời gian và công sức cho bức thư xin nghỉ việc để chứng tỏ sự tôn trọng của bạn với ban lãnh đạo công ty, đồng thời thể hiện trách nhiệm của bạn với chức vụ bạn đang nắm giữ. Trong thư, bạn nên bày tỏ lí do nghỉ việc một cách tế nhị nhất và đừng quên bày tỏ lời cảm ơn lịch thiệp đến công ty vì quãng thời gian làm việc vừa qua.

Lựa chọn ứng viên thay thế

Để tránh việc công ty mất một khoảng thời gian cũng như kinh phí cho việc tuyển chọn người mới, bạn cũng có thể đề cử với công ty những cấp dưới bạn từng làm việc trong quãng thời gian vừa qua. Hãy để mắt đến những nhân viên đã cùng bạn “chinh chiến” và chọn ra một người phù hợp nhất với vị trí của bạn.

Cân nhắc thời điểm thích hợp

Đừng chỉ vì nhận được một “offer” mới vô cùng hấp dẫn mà bạn đã vội vàng chấm dứt thời hạn làm việc khi công ty đang trong thời điểm cực kỳ bận rộn hoặc đang gặp khó khăn về mặt kinh doanh. Dẫu nguyên nhân không phải như thế, điều này vẫn khiến bạn trở thành một người “đứng núi này trông núi nọ” trong mắt mọi người. Vì thế, hãy lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để gửi lá thư thôi việc đến tay sếp.

Chuyên nghiệp đến phút chót

Rất nhiều người thường có xu hướng lơ là, bỏ bê công việc trong khoảng những tuần cuối cùng làm việc. Họ cho rằng họ không còn nghĩa vụ hoặc trách nhiệm gì với công ty nữa. Và việc đến công ty làm việc với họ giờ đây như một kiểu hình thức cho có lệ. Tuy nhiên, hãy biết rằng dù bạn không làm việc ở một nơi đó nữa, thì danh tiếng của bạn vẫn còn mãi. Hãy cố gắng thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn đến giây phút cuối cùng ở công ty. Bạn nên giữ thái độ hòa nhã, thân thiện và nhiệt tình với mọi đồng nghiệp và công việc của mình. Nhận xét của sếp cũ luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn đi phỏng vấn xin việc ở công ty mới.

Ngoài ra, trong quá trình đợi nghỉ việc, bạn có thể nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn từ các công ty khác. Hãy cố gắng sắp xếp những cuộc hẹn này trong thời gian riêng của bạn thay vì lạm dụng xin nghỉ phép liên tục ở công ty. Quả thật sẽ chẳng có gì hay ho nếu sếp và đồng nghiệp của bạn biết bạn đang xin việc ở công ty khác trong thời gian làm việc ở công ty họ. Nếu có thể, hãy thử hẹn lịch phỏng vấn trong giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc để hạn chế việc tranh thủ thời gian của công ty nhé.

Hãy nghỉ khi công ty đã tìm được người thay thế

Mỗi công việc đều có tính chất và đặc thù riêng biệt đòi hỏi người mới cũng cần một thời gian để thích ứng. Đôi khi, bạn cũng không nên nghỉ ngay lập tức khi lính mới vừa bước vào. Hãy dành thời gian để bàn giao công việc và chỉ dẫn người mới bằng những kinh nghiệm bạn tích lũy được trong thời gian ở công ty. Hơn nữa, nếu công ty vẫn chưa tìm được một người phù hợp mà thời gian nghỉ việc của bạn đã đến, hãy thử đề nghị công ty để bạn tiếp tục hỗ trợ họ trong khoảng thời gian thiếu người này.

Giữ mối quan hệ tốt đẹp với sếp cũ và đồng nghiệp

Nguyên tắc cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, dù bạn đã xin nghỉ việc thành công, cũng đừng quên duy trì mối quan hệ với lãnh đạo và đồng nghiệp cũ. Nếu không có bất kỳ vướng mắc gì với họ, hãy ghi nhớ và gửi tin nhắn, quà mừng mỗi khi đến dịp sinh nhật hoặc kỷ niệm đặc biệt nào đó ở công ty cũ. Một cuộc hẹn để tán gẫu và chia sẻ tình hình lẫn nhau cũng sẽ giúp bạn duy trì các mối quan hệ tốt hơn. Biết đâu trong tương lai, bạn sẽ gặp lại họ một lần nữa đấy.

— HR Insider —

Comments are closed.