Có nên “bám víu” vào công việc mà mình ghét?

2

Được làm công việc mình yêu thích là may mắn nhưng nếu phải làm công việc mà ngay từ đầu bạn biết rằng “nó sinh ra không phải dành cho mình” thì đó lại là cơ hội. Hơn 70% số người được hỏi thừa nhận rằng họ không thực sự yêu thích công việc hiện tại của mình, bạn có nằm trong số đó? Dù có hay không thì trên thực tế, bạn vẫn phải đối mặt và chấp nhận sống chung với nó vì lý do “cơm, áo, gạo, tiền” hay nhẫn nhịn chờ thời…

Đừng gồng mình để rồi áp lực bởi những cảm xúc tiêu cực, những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn vượt qua khoảng thời gian làm công việc mà bạn không hề yêu thích một cách nhẹ nhàng và giúp bạn nhận diện các cơ hội để thành công.

1. Nhẫn nại chờ đợi

Trên hành trình chinh phục đỉnh cao sự nghiệp, bạn khó lòng có thể trung thành với một vị trí/tổ chức ngay từ lúc bắt đầu, thay đổi công việc đóng vai trò như một bước chuyển giúp bạn nhận ra đâu mới thực sự là điểm đến phù hợp nhất mà mình sẽ dừng chân.

Hiển nhiên, sẽ có những trạm dừng mà bạn thấy mình không thể thích nghi và ở lại lâu dài nhưng điều bạn cần làm là kiên nhẫn và đón nhận thử thách mới. Hãy nỗ lực cố gắng trong khả năng của mình để tìm kiếm các cơ hội. Chỉ cần bạn đủ nhanh nhạy để nắm bắt, bạn sẽ đạt được thành công mà những người khác không dễ gì có được.

Đừng vội từ bỏ một công việc chỉ vì bạn chưa tìm thấy niềm đam mê với chúng, bạn hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm của mình, miễn là có thời gian. Kiên trì học hỏi, tìm kiếm các khía cạnh thú vị khác của công việc là phương pháp giúp bạn nhanh chóng nhận diện niềm đam mê và cảm thấy hứng thú với công việc. Nếu kết quả không khả quan như bạn nghĩ thì chí ít, bạn cũng đã trau dồi được những phẩm chất cần thiết, làm bước đệm vững chắc cho tương lai.

2. Đừng lãng phí thời gian một cách vô ích

Khi cảm thấy không yêu thích công việc bạn đang làm, đừng lãng phí thời gian vào việc than vãn hay trút nỗi bực dọc lên những chuyện không đâu mà hãy bình tĩnh để vượt qua từ những điều nhỏ nhặt. Chắc chắn, khi bạn rơi vào trạng thái cảm xúc tệ hại, bạn sẽ nhìn mọi việc xung quanh với đôi mắt đầy tiêu cực: bạn dễ nổi cáu vì trò trêu chọc của đồng nghiệp, thấy khó chịu khi bàn làm việc bừa bộn hay món ăn trong căng tin không vừa khẩu vị…

Tất cả những phiền toái trên thậm chí sẽ dẫn dắt bạn đi đến quyết định tức thời: nộp đơn xin thôi việc. Nhưng nếu đủ bản lĩnh và cố gắng bình tâm, chậm lại một chút, bạn sẽ nhận ra rằng hóa ra mọi chuyện không tồi tệ như bạn nghĩ. Đó chỉ là những bài học quý giá giúp bạn trưởng thành và mạnh mẽ hơn, thấu hiểu hơn cuộc sống nơi công sở. Hãy hít một hơi thật sâu, để mọi cảm xúc nhất thời qua đi và sẵn sàng đón nhận các thử thách đang chờ đón bạn ở phía trước.

3. Mỗi công việc là một trải nghiệm mới

Dù không phải là niềm đam mê hay lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn thực sự yêu thích thì bạn cũng phải thừa nhận rằng mỗi công việc sẽ mang đến cho bạn nguồn kiến thức vô giá và những kỹ năng hữu ích cho công việc sau này. Thậm chí, kinh nghiệm làm việc tại công ty hiện tại còn góp phần giúp cho CV xin việc của bạn nổi bật và gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Đôi khi bạn buộc lòng phải đánh đổi, làm công việc mình ghét để nhận ra đâu mới là công việc mình yêu và muốn gắn bó. Nếu người khác lấy niềm đam mê làm động lực để mỗi ngày đến công ty làm việc thì bạn hãy lấy mục tiêu hoàn thiện kỹ năng, mở rộng mối quan hệ hoặc học hỏi kinh nghiệm làm nguồn hứng khởi giúp bạn vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này.

4. Tư duy tích cực

“Cuộc sống giống như cách pha trà. Hãy đun sôi cái tôi của bạn, làm bay hơi mọi lo lắng, pha loãng mọi buồn phiền, lọc đi mọi sai lầm và bắt đầu thưởng thức sự hạnh phúc.” Chỉ cần bạn luôn nhìn mọi thứ bằng sự tích cực thì dù bạn có lỡ đi sai hướng, chọn sai công việc, lý trí cũng sẽ mách bảo bạn tìm được đúng con đường tiến về đích đến.

Một người luôn tư duy tích cực sẽ thấy được mặt sáng của vấn đề, ngay cả khi bạn làm công việc mình không yêu thích thì bạn vẫn được làm việc với những người đồng nghiệp tài năng, sếp giỏi, nhận được mức lương cao trong một môi trường danh tiếng…

Vậy thì tại sao lại chọn cách buồn phiền, ủ rũ khi bạn hoàn toàn có thể tận hưởng niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày?

Nếu không thể thay đổi thì chúng ta hãy thử tìm cho mình một góc độ khác để suy xét xem. Khi biết thay đổi góc nhìn để suy xét, thì ta có thể khám phá ra vô vàn điều thú vị và mới mẻ trong cuộc sống này.

Comments are closed.