Những điều trường học không dạy bạn nhưng rất cần thiết cho công việc

1

Trường học dạy chúng ta rất nhiều điều cần thiết cho công việc và cuộc sống nhưng kiến thức sẽ không bao giờ đủ cả, đặc biệt là những kỹ năng mềm. Bạn hãy đọc và chiêm nghiệm những điều dưới đây và bắt đầu chủ động học những điều mà bạn đang thiếu vì không có trường học nào sẽ dạy bạn những điều này cả. Các bạn sẽ thấy có một số điều mình nêu ra thoạt nhìn chả liên quan gì đến công việc hết, những điều đó là dành cho gia đình và gia đình không vui thì đố ai vào công ty mà làm việc tốt được.

1. Học cách quan sát vấn đề
Rất nhiều người ngay khi bắt đầu vào học một việc hay làm một việc thường bắt đầu ngay với việc học cách làm. Tuy nhiên, trong công việc khả năng quan sát tình huống là yếu tố quan trọng để giúp chúng ta thành công hơn và làm việc hiệu quả hơn bởi vì thông qua quan sát ta biết được bản chất công việc, mục đích công viêc từ đó ta hiểu sâu hơn về công việc và làm chính xác hơn, cải tiến hơn.

2. Đừng quá đặt nặng thắng thua
Nỗ lực làm việc để thành công là rất tốt tuy nhiên nếu ta quá đặng nặng chuyện thắng thu thì sẽ bị áp lực tâm lý dẫn đến có những cách làm không hiệu quả đôi khi tiêu cực. Không ai lúc nào cũng hoàn hảo trong suốt quá trình đi làm của mình nên lỡ có những thất bại thì đó cũng là chuyện bình thường thôi, đừng quá chú trọng.

3. Phân biệt thật giả
Lẽ thường, trường học sẽ không dạy chúng ta cách làm thế nào để phát hiện những dấu hiệu của một kẻ lừa đảo. Do vậy, chúng ta để mặc cho cuộc đời cứ “trôi” và đến một lúc nào đó gặp cướp thật, lúc đó chúng ta mới bừng tỉnh và bắt đầu phòng tránh. Suy nghĩ “cứ va vấp rồi biết” khiến đôi khi chúng ta phó thác mọi thứ. Thế nên hãy nhận ra rằng, cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, sẽ luôn có người xấu, người tốt. Chấp nhận điều này và bắt đầu sống chủ động!

4. Thuyết phục người khác
Ở trường học, chúng ta hiếm khi có khái niệm thuyết phục. Việc thảo luận nhóm cũng sơ sài và dường như không hề có khái niệm phát biểu ý kiến. Bạn đã từng họp nhóm mà không hề nói câu nào hoặc nói mà không ai nghe cả? Trường học không dạy bạn cách làm thế nào để thuyết phục một người, làm thế nào để mọi người lắng nghe mình và vì sao lại cần thuyết phục?

Trường học là vậy nhưng ở đời, thuyết phục là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà nếu ai may mắn sở hữu được nó, người đó sẽ có thể đánh bại được tất cả. Cho dù bạn là nhân viên hay quản lý thì kỹ năng thuyết phục cũng đưa bạn đến những thành công cao trong công việc

5. Bình tĩnh mới là bản lĩnh
Trong công việc và cuộc sống, biết nhiều hay làm được nhiều chưa hẵn là người có bản lĩnh mà bản lĩnh nằm ở chỗ khi sự cố xảy ra chúng ta có đủ năng lực và bình tĩnh mà khéo léo giải quyết nó một cách tốt nhất hay không.
Có lần tôi vừa vào làm kế toán trưởng cho một công ty thì nhận được quyết định thanh tra thuế (cho những năm trước tôi không làm), sau mấy tuần kiểm tra thì mức truy thu khoảng 10 tỷ đồng. Luật thuế Việt Nam thì có những khoản phạt cũng đúng mà không phạt cũng đúng nên tôi đã giảm được gần 1 nữa tiền truy thu chỉ bằng cách giải trình với cán bộ thuế (chỉ dẫn chứng luật, tuyệt đối không tranh luận tay đôi với thuế về luật vì họ là người làm luật rất ghét ai nói luật với mình). Chẵng hạn, với khoản chi phúc lợi và thưởng cho nhân viên mà người cũ họ không làm quyết định và không có trong hợp đồng/thỏa ước, thuế họ loại hết, sau khi giải thích với họ tôi chỉ nói tóm lại 1 câu “mấy anh chị làm không sai về chứng từ nhưng rõ ràng đây là những khoản thực chi và nó là những khoản trả cho công nhân viên, nếu anh chị loại như vậy mai mốt công ty nào dám trả thưởng cho nhân viên nữa”, đánh động đến tâm lý vì công nhân viên nên họ ok cho qua liền :-). Rồi toàn bộ phụ tùng xuất kho mình cũng bị loại hết vì người cũ làm sai phương pháp kiểm kê định kỳ thay vì kê khai thường xuyên, đành phải giải trình và năn nĩ “hàng đều thực xuất hết nhưng do cty em làm sai phương pháp, để tui em lục lại chứng từ rồi làm sổ lại, nhưng làm lại hết chắc mất cả tháng, anh chị thương tui em thì chấp nhận khoản này giùm”, khổ nhục kế thành công luôn :-)…
Hồi còn là sinh viên, cả đám kéo nhau đi ăn lẫu, đang ăn thì cái bếp gas phựt lên cháy, cha con bỏ chạy hết trơn có mỗi mình mình đưa tay gạt cái cần lên để khỏi nổ xong vẫn đùa với bạn bè “chân tui quéo lại chạy không nỗi nên phải gạt chứ không nổ chết sao :-D”

Sự bình tĩnh rất quan trọng và cần sự luyện tập và quán chiếu mỗi ngày “cứ bình tĩnh, chuyện gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi”

6. Sức khỏe tinh thần
Thật hiếm khi nghe đến “sức khỏe tinh thần” ở trường học. Bởi lẽ, chúng ta chỉ quan tâm đến hoặc được khuyên là nên quan tâm đến sức khỏe thể chất, còn tinh thần là từ quá xa vời.

Liệu bạn có hiểu được sức khỏe tinh thần là gì? Liệu bạn có đang cảm thấy áp lực về những kỳ thi, những môn học không phải là đam mê của bạn? Liệu bạn thấy tù túng? Đó chính là tinh thần của bạn đang không được khỏe.

Cuộc đời sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, hãy học cách bồi dưỡng tâm hồn và giữ cho tinh thần được thoải mái nhé bạn.

7. Hiểu chính mình
Trường học không dạy bạn nhìn nhận bản thân để biết điều gì mình tốt và chưa tốt? Trường học không dạy bạn cách khai phá tiềm năng của mình mà nghiễm nhiên cho rằng nếu bạn học không giỏi nghĩa là tương lai của bạn có vấn đề? Thế nên hãy chủ động nhìn nhận bản thân mình, điểm mạnh – điểm yếu của bạn là gì và khai phá nó. Chỉ có bạn mới hiểu chính bạn.

8. Cách sử dụng mạng xã hội
Trường học liệu có dạy bạn phải giữ cho Facebook của mình toàn những lời hay ý đẹp, hay chỉ liên tục cấm bạn không được sử dụng Facebook. Mà thực tế là càng cấm bạn càng không thể dứt.

Hãy biết kết nối và giữ liên lạc với bạn bè qua mạng xã hội nhưng phải nhớ, giữ cho tài khoản của mình thật “sạch”. Bởi vì, một ngày nào đó, nó có thể sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn.

9. Tự sơ cứu
Trong một số trường hợ khẩn cấp thì việc tự trang bị cho bạn thân những kỹ năng sống cơ bản và một chút hiểu biết về sơ cứu sẽ giúp bạn tự bảo vệ chính mình và giúp đỡ người khác. Hầu hết tất cả các công ty đều có tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho nhân viên theo quy định nhưng nếu công ty bạn không có thì hãy tự trang bị cho mình nhé

10. Sửa chữa nhà và các thiết bị trong nhà
Kỹ năng này đặc biệt quan trọng với những bạn là nam giới. Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ nhận thấy mình không biết làm gì cả. Nhà bị dột hay bị hỏng hóc chỗ nào, liệu bạn đã tự sửa được chúng? Bạn có biết cách sửa một nồi cơm bị hỏng hay một chiếc quạt không quay hay chiếc máy tính bỗng không chạy? Trường học không bao giờ dạy cho bạn. Tất cả những điều này bạn phải tự trang bị cho mình.

11. Quản lý thời gian
Trường học khuyến khích học sinh học chăm chỉ để cải thiện điểm số nhưng điều thực sự cần đó là sự cân bằng giữa việc học, gia đình, bạn bè và thế giới bên ngoài thì không hề được đề cập. Hãy tự học cách quản lý thời gian của bạn, biết rõ cái gì nên làm trước, cái gì nên làm sau và đừng lãng phí bất cứ điều gì cả.

12. Nấu ăn
Sinh viên bây giờ khác sinh viên ngày trước. Sinh viên bây giờ “giàu” tới mức chỉ biết ăn ngoài và đến những nhà hàng sang trọng, để đến khi lớn lên rồi mới biết tự nấu cho mình những bữa ăn ngon và sở hữu một vài món “tủ”lại quan trọng như thế nào: một công việc tốt, một người chồng tốt và những đứa con ngoan rất cần bàn tay của một bà nội trợ đảm.

13. Đối mặt với thực tế phũ phàng
Cuộc sống không công bằng. Nếu bạn càng nghĩ rằng nó tốt đẹp, bạn sẽ càng thất vọng. Đừng ảo tưởng về một màu hồng hay những câu chuyện tình học trò. Cuộc sống còn nhiều thứ buộc bạn phải chấp nhận .

14. Tiền và địa vị không phải là tất cả
Trong cuộc sống hiện đại, tiền bạc và địa vị là thứ rất quan trọng nhưng chúng tá đừng quá lệ thuộc vào chúng, đừng để tiền bạc chi phối qua nhiều cuộc sống của chúng ta. Trên đời này, có những thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều mà tiền dù bao nhiêu cũng chẳng thể mua nổi. Hãy biết quý trọng những gì chúng ta đang có, đừng để phải hối hận về sau….

Đồng tiền không phải là tất cả nhưng không thể thiếu trong cuộc sống. Làm thể nào có thể dung hòa được việc cuộc sống gia đình với công việc bôn ba kiếm tiền ngoài đời. Có tiền chúng ta có thể mua được một căn nhà nhưng chưa chắc chúng ta mua được hạnh phúc gia đình, có tiền chúng ta có thể mua được một chiếc giường đẹp nhưng có ai dám chắc rằng chúng ta có thể có được giấc ngủ ngon trên chiếc giường xinh đẹp ấy.

Tôi đã gặp rất nhiều người sẵn lòng đánh đổi tuổi trẻ và sức khỏe để kiếm tiền và thăng tiến nhưng rồi những năm sau đó họ dùng tiền đó để vô bệnh việc tìm sức khỏe mà mua lại nhưng bệnh viện là gì có sức khỏe mà mua, ở đó chỉ toàn là bệnh và bệnh…Tôi hy vọng những ai đang như vậy mà đọc được những dòng này thì hãy cân bằng lại trước khi quá muộn.

15. Học từ thất bại
Liệu rằng bạn có thường nghe thấy trường học nói điều này: Học từ thất bại và sửa chữa sai lầm. Trường học luôn cho bạn những kiến thức hay nhưng liệu có cho bạn những trải nghiệm về sự thất bại. Liệu bạn có biết rằng, thất bại có thể khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn?

16. Tha thứ cho người khác
“Hãy tha thứ cho người đã phá hủy bạn”. Nghe có vẻ phi thực tế và ở trường, hiếm khi bạn nghe ai đó khuyên mình như vậy. Nhưng bạn cần hiểu rằng, tha thứ là điều mà bạn cần luyện tập hàng ngày. Và nhớ, nó không dễ dàng để có được. Kiên nhẫn và học cách thấu hiểu người khác là chìa khóa để bạn rèn luyện đức tính này. Bởi vì không có ngôi trường nào dạy cho bạn điều này cả.

17. Phải biết tự bảo vệ bản thân
Trường học liệu có dạy bạn cách tự bảo vệ chính mình? Cuộc sống ngày càng phức tạp và nếu bạn quá yếu đuối hay mỏng manh, bạn có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào? Liệu bạn có biết cách hạ gục kẻ xấu bằng lời nói hay bạn có biết cách dùng sức mạnh cơ thể của mình?

Hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng sống và học cách tự bảo vệ bản thân ngay từ lúc này.

18. Mong đợi những điều không như ý muốn
Một thực tế là chúng ta thường mong muốn thành công và lấy hình mẫu của những người thành đạt làm lý tưởng sống. Thế nhưng, thế giới không phải lúc nào cũng là một hình tròn, nó luôn có những chỗ gồ ghề, nhấp nhô mà bạn không thể nào biết trước. Trường học luôn dạy bạn học giỏi sẽ có tương lai tốt hơn, nhưng không dạy bạn đừng lý tưởng hóa mọi thứ. Trường học vẽ cho bạn cách để thành công nhưng không dạy cho bạn cách để vượt qua những khó khăn và học cách chấp nhận mọi thứ.

19. Học cách suy nghĩ rõ ràng và lôgic
Với một tư duy logic và suy nghĩ rõ ràng sẽ giúp cho bạn có được một định hướng đúng đắn và rõ ràng trong sự nghiệp và có sự sắp xếp hợp lý trong các công việc bạn đang làm.

20. Quản lý thông tin

Yêu cầu gắt gao đối với bản thân mỗi người chính là biết tự quản lý thông tin của chính mình và của công ty. Có thể bạn là một người hoạt náo, thích giao lưu và sự phóng túng. Bạn thậm chí cởi mở với bất kỳ lời đề nghị tiết lộ đời tư và những thông tin nhạy cảm của công ty. Nhưng sự tiết chế nào cũng có trong bất cứ những trường hợp. Hãy kiểm soát chặt chẽ những thông tin mà bạn muốn chia sẻ với người khác hay đăng tải lên mạng xã hội. Đừng để có cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng sơ hở này thu thập tư liệu cá nhân gây bất lợp cho chính bạn.

Còn rất nhiều điều cần thiết cho công việc mà nhà trường…quên dạy chúng ta nhưng nếu bạn nắm được những điều này thì cũng đủ trang bị cho bạn một hàng trang cơ bản để đi làm rồi.

Chúc bạn có được những thành công trong công việc và niềm vui trong cuộc sống gia đình.

Comments are closed.