5 cuốn sách hay truyền cảm hứng sống của các tác giả từng đối mặt cái chết
Thuốc men, bác sĩ giỏi và bệnh viện danh tiếng không phải là vũ khí tối thượng để chúng ta nghênh chiến với thần chết. Điều quan trọng nhất mà người ta cần để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật chính là sự lạc quan và niềm vui sống. Dưới đây là 5 cuốn sách kể lại câu chuyện của những con người dũng cảm, đã chiến đấu quyết liệt với bệnh tật để sống những tháng ngày có ý nghĩa.Sinh, lão, bệnh, tử là những quy luật tất yếu của đời người. Bệnh tật, chính là một trong những sứ giả đắc lực của thần chết được phái đến để cướp đi sinh mạng của chúng ta. Mắc bệnh nan y là nghịch cảnh mà nhiều người gặp phải, nhưng không phải ai cũng có dũng khí để đối mặt với điều khủng khiếp này.
Một lít nước mắt- Kito Aya
Kito Aya là một cô bé hoạt bát, hóm hỉnh và lúc nào cũng nở nụ cười. Sau nhiều cú ngã bất thường, bố mẹ đưa cô bé đến bệnh viện để kiểm tra và nhận được hung tin. Aya mắc chứng thoái hóa dây thần kinh tiểu não, một căn bệnh đến nay vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị. Dần dần, cô bé sẽ mất khả năng đi lại, trò chuyện và không thể tự chăm sóc bản thân.
Căn bệnh quái ác đã cướp đi của Aya những giấc mơ, hoài bão và cả tương lai phía trước, nhưng nó không thể đánh cắp được tinh thần lạc quan của cô gái bé nhỏ. Aya vẫn nở nụ cười trên môi và chia sẻ với mẹ những dự định về ngày mai. Cô bé biết rằng, nếu mình gục ngã, những người yêu quý em sẽ rất đau lòng. Cuộc chiến với bệnh tật dẫu không cân sức, em vẫn phải trở thành một chiến binh quả cảm và không bao giờ được phép bỏ cuộc.
Một lít nước mắt là cuốn tự truyện nổi tiếng của Kito Aya. Tác phẩm đã được đạo diễn Riki Okamura chuyển thể thành phim với sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Asae Oonishi.
Không gục ngã- Nguyễn Bích Lan
Khi còn nhỏ, dịch giả Nguyễn Bích Lan vốn là một cô bé rất ham chơi và hiếu động. Cứ chạm chân xuống đất là cô nhóc vui vẻ nhảy chân sáo. Chị đã trải qua tuổi thơ hồn nhiên và bắt đầu mơ mộng về một thời thiếu nữ tươi đẹp. Nhưng rồi căn bệnh loạn dưỡng cơ ập đến, cướp đi của chị những giấc mơ đẹp của tuổi trẻ. Bích Lan phải rời xa sách vở và chuyện học hành vì lúc đó chị sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Vượt qua những tù túng và chán nản của một người đang mang bệnh nặng, chị quyết định phải sống khác và không được gục ngã. Nguyễn Bích Lan bắt đầu tự học tiếng Anh và mày mò dịch sách. Văn chương và công việc dịch thuật đã tiếp thêm năng lượng cho chị một nguồn năng lượng tích cực để chiến đấu với bệnh tật. Không gục ngã chính là câu chuyện về những ngày tháng phi thường của người phụ nữ tuyệt vời ấy.
Hơi thở hóa thinh không- Paul Kalanithi
Paul Kalanithi biết tin mình bị ung thư phổi khi mới 36 tuổi. Lúc đó anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc. Cơn bạo bệnh khiến anh không khỏi choáng váng, dù biết cái chết cuối cùng cũng sẽ đến nhưng Paul không ngờ tử thần lại “gõ cửa” sớm và đường đột đến vậy.
Trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, anh đã suy ngẫm và chiêm nghiệm lại tất cả những gì mình đã làm. Từ việc trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh, chuyên ngành phức tạp và danh giá nhất của y khoa, cho đến trách nhiệm của một người chồng, người cha. Những điều đó liệu có ý nghĩa gì khi ta sắp lìa xa thế giới.
Paul nhận ra rằng, dù cuộc sống của anh có được tính bằng ngày đi chăng nữa thì nó vẫn đang tiếp tục, nghĩa vụ của anh là không được bỏ cuộc. Thành tựu lớn nhất của một con người vĩ đại đôi khi không nằm ở việc anh ta đã trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh hàng đầu. Paul đáng được tôn vinh vì anh đã không đầu hàng trước số phận.
Khi hơi thở hóa thinh không là cuốn tự truyện được viết khi bác sĩ Paul Kalanithi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Không thể gục ngã – Đỗ Mỹ Dung
Doanh nhân Đỗ Mỹ Dung đã kể lại hành trình đầy thử thách khi cùng chồng chiến đấu với căn bệnh ung thư não. Đang có một cuộc sống viên mãn với hôn nhân hạnh phúc và công việc kinh doanh phát đạt. Bóng đêm bỗng đổ ập xuống gia đình của Mỹ Dung khi chồng cô được chuẩn đoán mắc ung thư não.
Người phụ nữ cá tính ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần cho chồng và cùng anh chống lại bản án nghiệt ngã của số phận. Đỗ Mỹ Dung cho rằng liều thuốc tốt nhất cho bệnh nhân ung thư chính là sự lạc quan. Đừng bao giờ xem mình là người bệnh và không được nghĩ đến cái chết. Làm được như vậy, đồng nghĩa với việc bạn đã dành lợi thế trước thần chết.
Không thể gục ngã là cuốn tự truyện đầy xúc động của doanh nhân Đỗ Mỹ Dung, em gái ca sĩ Mỹ Linh.
Chứng cứ về thiên đường- Eben Alexander
Eben Alexander là bác sĩ phẫu thuật thần kinh hàng đầu của Mỹ. Năm 2008, ông bị nhiễm một loại virus gây viêm màng não hiếm gặp. Chúng ăn dần dịch não của Alexander và làm cho thần kinh vỏ não bị tê liệt. Vị bác sĩ nổi tiếng rơi vào trạng thái hôn mê trong vòng 1 tuần. Trong thời gian này ông đã có những trải nghiệm cận tử đáng kinh ngạc.
Những hình ảnh về thiên đường đã “xuất hiện” trước mắt Eben Alexander trong suốt thời gian ông hôn mê và được các bác sĩ kết luận rằng đã rơi vào trạng thái sống thực vật. Sau “trải nghiệm nhớ đời” ấy, đã tiếp thêm sức mạnh và tình yêu cuộc sống cho Eben Alexander. Thiên đường dẫu đẹp đến đâu cũng không bằng cuộc sống với những giấc mơ đang chờ đợi nơi mặt đất.
Chứng cứ về thiên đường ghi lại hành trình cận tử khó tin của bác sĩ thần kinh Eben Alexander.
Những căn bệnh nan y có tới bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Chúng sẽ gieo rắc lên tâm hồn và thể xác của chúng ta những sợ hãi và đau đớn. Để vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, sự lạc quan, tình yêu thiết tha với cuộc sống luôn là điều quan trọng nhất.
Cuộc sống vốn là thứ có thời hạn và ẩn chứa nhiều bất trắc. Hãy sống hết mình, yêu thương hết mình, trân trọng từng ngày ta đang sống.
(Theo Zing)
Comments are closed.